Lượt xem: 771

Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn

Nằm ở cuối nguồn Sông Hậu thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), từ xưa đến nay, tỉnh Sóc Trăng được biết đến là vùng đất có nét văn hóa độc đáo với cộng đồng 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa cùng nhau sinh sống. Điều này không chỉ mang đến cho Sóc Trăng sự giao thoa văn hóa đặc sắc mà còn là quá trình hình thành, lưu truyền và phát triển rất nhiều làng nghề, ngành nghề đặc trưng mang dấu ấn riêng của cả 3 dân tộc.

 


Bánh pía Can Xại của cơ sở Mỹ Hiệp Thành

 

    Việc bảo tồn và phát triển ngành nghề, làng nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội ở nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển và bảo tồn ngành nghề, làng nghề. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), ngày 20/5/2019, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành Quyết định số 1397, chính thức phê duyệt Đề án Chương trình OCOP tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, Chương trình OCOP được xem là “trợ lực” quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ngành nghề nông thôn trước “dòng chảy” của cuộc sống hiện đại.

    Tại Sóc Trăng, bánh pía được xem là một biểu tượng văn hóa ẩm thực, là món ăn đặc sản gắn liền với cộng đồng người Hoa sinh sống tại tỉnh. Tháng 10 năm 2020, nghề làm bánh pía của người Hoa tại Sóc Trăng cũng đã được  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ vùng đất khởi nguồn tại Vũng Thơm, nghề làm bánh Pía ngày càng phát triển với sự hình thành của hơn 30 cơ sở sản xuất, lò bánh lớn, nhỏ, chủ yếu tập trung tại huyện Châu Thành. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, nhiều cơ sở đã có sự đầu tư dây chuyền hiện đại, cải tiến bao bì, mẫu mã, đồng thời sản xuất bánh pía với nhiều vị khác nhau.

    Tuy vậy, nhiều cơ sở, lò sản xuất bánh Pía tại xã Phú Tâm, huyện Châu Thành vẫn duy trì phương pháp làm bánh thủ công, mỗi chiếc bánh đều được tạo thành từ bàn tay khéo léo của người thợ qua từng công đoạn như bánh pía Can Xại của cơ sở Mỹ Hiệp Thành. Khởi nghiệp từ năm 1950, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, bánh Cạn Xại của cơ sở Mỹ Hiệp Thành vẫn giữ được hương vị đặc trưng của chiếc bánh pía xưa theo đúng vị ẩm thực truyền thống của người Hoa. Mặc dù kinh doanh thêm nhiều nhân bánh khác nhau, nhưng với hương vị đặc trưng, bánh Can Xại được xem là sản phẩm chủ lực của cơ sở. Sau nhiều năm tưởng chừng sẽ bị thất truyền, trải qua rất nhiều thăng trầm, nghề làm bánh pía Can Cại đã được cơ sở Mỹ Hiệp Thành khôi phục và bắt đầu được biết đến rộng rãi hơn trên thị trường.

    Khác với bánh pía hiện đại với nhân có vị ngọt, bánh pía Can Xại được tạo nên từ sự kết hợp của 3 thành phần nguyên liệu chính gồm: Đậu xanh, củ cải muối và mỡ heo, tạo nên vị mặn ngọt tinh tế, để lại dư vị khó phai cho người dùng mỗi khi thưởng thức.  Điều đặc biệt là bao bì sản phẩm được cơ sở làm hoàn toàn bằng giấy, như một sự tri ân quá khứ, gợi nhớ về thời xưa cũ với vị bánh mang đậm nét ẩm thực đặc trưng của người Hoa tại vùng đất Vũng Thơm. Với mong muốn tạo dựng lại thương hiệu bánh pía Can Xại của cơ sở nói riêng và nghề làm bánh Can Xại của người Hoa ở Sóc Trăng nói chung, cơ sở Mỹ Hiệp Thành đã hoàn tất hồ sơ,  thủ tục, và được UBND tỉnh chính thức công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Chị Trần Ngọc Thủy Tiên – Cơ sở Mỹ Hiệp Thành tâm sự: “Để sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP, bên cạnh việc giữ đúng công thức gia truyền của người Hoa xưa, cơ sở chúng tôi còn có sự cải thiện hơn trong việc thiết kế lại bao bì, mẫu mã, đăng ký mã QR... Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là gìn giữ và phát huy hơn nữa vị bánh truyền thống của gia đình nói riêng và nghề lám bánh pía của người Hoa tại Sóc Trăng nói chung, để bánh pía Can Xại được biết đến nhiều hơn nữa trên thị trường”.

    Như bao miền quê khác ở vùng đất Nam Bộ, nghề làm mắm cũng hình thành tại nhiều địa phương của Sóc Trăng, trong đó, nghề làm mắm từ các loại cá đồng tại thị xã Ngã Năm được biết đến nhiều hơn hết. Từ hình thức sản xuất  nhỏ lẻ mang tính “ăn theo” vào mùa nước nổi, do nhu cầu tiêu dùng cao, nhiều cơ sở làm mắm tại đây bắt đầu hình thành và sản xuất liên tục trong năm, dần dà làm mắm trở thành “nghề” mang tính đặc trưng của địa phương, nhiều cơ sở sản xuất cũng được biết đến phổ biến như cơ sở sản xuất mắm cá lóc và mắm rô sặc biển cô Sáu Bảnh tại Phường 2, thị xã Ngã Năm.


 Khu vực làm mắm tại Cơ sở sản xuất mắm cá lóc và mắm rô sặc biển cô Sáu Bảnh  

 

    Để có được những mẻ mắm thơm ngon đúng vị “miền tây”, cá nguyên liệu khi đã sơ chế sạch và ướp muối, khoảng 2 tháng sau khi cá vừa thấm muối, sẽ bắt đầu được rắc thính cho cá thơm, tiếp tục nấu nước đường và cơm rượu để chao cho mắm dịu lại, thơm ngon hơn. Khi mắm đã thành phẩm, khoảng 1 – 2 tuần sau, tiếp tục nấu nước đường và nêm nếm gia vị cho vừa ăn để chao mắm ra thùng, bắt đầu đóng hộp, dán nhãn và cho ra thị trường. Mặc dù nhãn hiệu mắm của cơ sở đã được biết đến nhiều và tiêu thụ mạnh tại các tỉnh, thành trên cả nước, nhưng cơ sở cô Sáu Bảnh vẫn chú trọng cải tiến chất lượng và mẫu mã để sản phẩm đủ tiêu chuẩn được đánh giá chất lượng OCOP 3 sao. Bởi gắn sao OCOP không chỉ là cơ hội để sản phẩm khẳng định được chất lượng trên thị trường mà còn góp phần quảng bá rộng hơn về nghề làm mắm gia truyền của gia đình và địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Chị Lê Thị Mỹ Linh - Cơ sở mắm cá lóc và mắm rô sặc biển cho biết: “Nghề làm mắm của gia đình bắt đầu trước hết là do mẹ chồng làm, cũng gần 30 năm nay rồi. Bây giờ mình nối nghiệp nên muốn nâng dần chất lượng. Vì vậy mà chúng tôi đăng ký kinh doanh, đăng ký chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đầy đủ hết. Trong quý I năm 2022 thì 2 loại mắm của cơ sở cũng được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận sản phẩm OCOP. Đây là động lực rất lớn để chúng tôi mang thương hiệu mắm Ngã Năm đến gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước”.

    Chương trình OCOP sau 3 năm triển khai đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn dựa trên các thế mạnh, lợi thế mang tính đặc sản vùng miền và ngành nghề, làng nghề đặc thù. Tính đến đầu tháng 8/2022, toàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển được 174 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm từ làng nghề, ngành nghề truyền thống, như: Bánh pía, trà mãng cầu, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ mắm và nghệ thuật múa Rô băm... Hiện nay, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng Đề án Phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong dự thảo Đề án đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nội dung đưa Chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn liền với Chương trình Phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh phát triển thêm 10 đến 12 ngành nghề, làng nghề truyền thống, có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3 đến 5 ngành  nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Đồng chí Trần Hoàng Dũng – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Để chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm thuộc ngành nghề, làng nghề truyền thống tham gia Chương trình OCOP, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, như: Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, hướng đến các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ. Tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn theo hình thức học nghề gắn với phát triển làng nghề; đào tạo lại đội ngũ thợ, nghệ nhân ở làng nghề để nâng cao tay nghề; bồi dưỡng, đào tạo các chủ cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở ngành nghề nông thôn và các làng nghề đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc tiếp nhận công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để các sản phẩm làng nghề, ngành nghề truyền thống đạt được những tiêu chí của Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy, thương mại hóa các sản phẩm ra thị trường...”.

    Có thể thấy, ngành nghề, làng nghề không chỉ là một khu vực sản xuất có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra thu nhập, việc làm cho người dân nông thôn mà còn mang trong đó những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống đậm bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, việc chuẩn hóa các sản phẩm từ ngành nghề, làng nghề nông thôn thành sản phẩm OCOP được xem là giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống, vừa duy trì sinh kế, vừa giải quyết hiệu quả bài toán thị trường; hướng đến mục tiêu cốt lõi là gia tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người dân khu vực nông thôn.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 105
  • Hôm nay: 7874
  • Trong tuần: 78,581
  • Tất cả: 11,801,901